Tám năm lấy chồng, tôi chưa một lần được về đón giao thừa cùng bố mẹ. Nhìn bạn bè năm Tết nội, năm Tết ngoại, tôi lại thấy chạnh lòng.
Là dâu trưởng, tôi luôn phải nỗ lực hết mình, cố gắng làm vừa lòng bố mẹ chồng. Tôi cũng chưa từng khiến chồng phật ý bởi tôi hiểu, gia đình với anh quan trọng thế nào.
Việc nhà nội có gì chưa làm tốt, tôi hỏi han bạn bè để tìm cách khắc phục. Tám năm làm dâu nhà chồng là 8 năm ròng rã tôi mệt mỏi với vai trò của người con dâu trưởng.
Cứ đến giáp Tết, mọi việc lại đến tay tôi. Việc gì mẹ chồng cũng gọi tôi vì cho rằng tôi phải là người có trách nhiệm với gia đình chồng. Tôi luôn phải về quê chồng sắm Tết từ 27 mà mẹ chồng vẫn không ưng ý nhiều việc. Đối với người khác cảm giác Tết là sung sướng vì được nghỉ ngơi nhưng với tôi lại khác. Tết là những ngày tôi áp lực, lo lắng nhất.
Ngoài mâm cỗ và các thủ tục cúng tất niên, sáng mùng 1 nào tôi cũng phải dậy từ tinh mơ để lo cỗ bàn cho nhà chồng. Làm mâm cúng xong thì làm các mâm cơm để đợi khách đến chúc tụng, ăn uống. Tôi nói mẹ chồng bớt dần thủ tục ăn uống để cả nhà được nghỉ ngơi nhưng mẹ không chịu. Trong nhà không ai giúp tôi. Các cô em dâu khác cũng chỉ đợi đến gần trưa mới về ăn.
Năm trước, em dâu đến nhà kể chuyện Tết về đón giao thừa nhà ngoại vui sướng thế nào khiến tôi muốn trào nước mắt.
Năm trước, em dâu đến nhà kể chuyện Tết về đón giao thừa nhà ngoại vui sướng thế nào khiến tôi muốn trào nước mắt. Nhiều năm nay, phải đến ngày mùng 4 Tết tôi mới được về với bố mẹ đẻ của mình. Nhiều lần tôi góp ý chồng để về sớm hơn nhưng anh nhất mực không đồng ý. Đối với anh, lấy chồng thì phải theo chồng, phải xong hết việc nhà chồng mới được về nhà ngoại. Cãi nhau nhiều về chuyện Tết nội, Tết ngoại khiến tôi không còn muốn bàn đến. Tôi đành chấp nhận tất cả để dĩ hòa vi quý.
Nhưng năm vừa rồi đứa em gái lấy chồng xa nhiều năm có dịp về Tết ngoại nên tôi xin phép bố mẹ và chồng về sớm vào mùng 2. Vậy mà chồng trừng mắt nhìn tôi, còn nói tôi không ra gì trước mặt bố mẹ anh. Anh yêu cầu tôi không thay đổi, nhất nhất mùng 4 mới được về.
“Tức nước vỡ bờ”, tôi phản ứng gay gắt trước mặt bố mẹ chồng: “Anh ích kỉ vừa phải thôi. Tám năm nay tôi lấy anh, tôi có không làm tròn vai trò của người vợ, người con dâu với bố mẹ không? Năm nào anh cũng bắt tôi mùng 4 về nhà bố mẹ đẻ. Anh nghĩ xem mùng 4 còn ai chơi Tết không?
Năm nay em gái tôi về chơi, mùng 5 đã phải đi, mùng 4 về để làm gì? Anh cũng có con gái, bố mẹ anh cũng có con gái, anh không hiểu đạo lý cơ bản ấy à? Năm nào em gái anh cũng về ăn Tết từ mùng 2, có năm còn đón giao thừa ở đây, sao anh không nghĩ cho tôi vậy? Sau này con gái anh không về ăn Tết với anh, chắc anh vui lắm!”.
Sau phản ứng của tôi, không khí có chút căng thẳng. Cả nhà không ai nói một câu vì quá bất ngờ trước thái độ của tôi. Thật may khi đó bố chồng nhẹ giọng: “Cái T. nó nói đúng đó, năm nay hai đứa sắp xếp về sớm với ông bà thông gia, đừng để ông bà mong ngóng mãi. Mùng 4 thì hết Tết rồi còn về gì nữa con? Con cũng nên thay đổi. Cả bà nữa, nghĩ cho con gái thì cũng phải nghĩ cho con dâu, bớt thủ tục rườm rà đi. Nhà này có phải hết người đâu mà cứ giữ nó”.
Sau câu nói của bố chồng, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Chồng tôi cũng không dám phản kháng. Năm đó tôi được về quê từ mùng 2 Tết. Và cũng kể từ năm đó, chồng không ý kiến gì về việc về sớm về muộn. Anh cũng rất vui vẻ khi được ăn Tết sớm hơn ở nhà vợ.
Năm nay, nghe tôi than vãn, anh định thay đổi quyết định, mỗi năm ăn Tết một quê. Nếu thực sự được như vậy thì đúng là tôi đã làm được một "cuộc cách mạng".
Độc giả giấu tên
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |
Nhớ Tết xưa, trân trọng Tết nay
Những ngày tháng Chạp gấp gáp và vội vã. Mùa đông đang lùi dần và nhường bước cho mùa xuân mới. Trong bộn bề công việc, thoáng đâu đó trên các con phố đã thấy mai, đào hé nở. Lòng lại xôn xao nhớ về Tết xưa, khi còn thơ bé.
Trông bánh chưng ngày Tết
Nồi bánh chưng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của ngày Tết, nhà nào cũng gói, bất kể giàu nghèo. Tôi lẽo đẽo theo bố cả buổi, nào là rửa lá, vo gạo, đồ nhân…
Nguồn vietnamnet.vn