Mùi của Tết

  • 29/02/2024 08:26:32

Là một nước ở phương Đông có nền văn minh lúa nước, từ bao đời nay, đã ngàn năm nay, nhân dân ta vốn có phong tục đón Tết Nguyên đán với hương vị riêng. Và trở thành tết cổ truyền. Với mỗi người con đất Việt, nhất là với những người xa xứ nơi đất khách quê người, mỗi dịp tết đến xuân về lại thao thức, bồi hồi nhớ thương cái "mùi tết", cái hương vị Tết quê nơi xứ sở có bóng mẹ tảo tần sớm hôm, nơi xóm mạc với những con người "một nắng hai sương", chịu thương chịu khó, lam lũ quanh năm, những con người làm nên lịch sử và cả văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Hỡi cái hương vị quê hương sao mà nhớ thương vậy!...

Nhớ Tết cổ truyền là nhớ về xứ sở quê hương như một nỗi niềm trong muôn nỗi nhớ thương. Đó là cái vị thơm thảo đặc trưng của bánh chưng, bánh tét. Là hương thơm dìu dịu đằm thắm của hoa đào, hoa mai. Là mùi của lá dong, lá chuối, của nhang trầm cứ lặng lẽ tỏa hương những ngày tết đến xuân về. Cái hương vị ấy dẫu thật quen thuộc mà sao rất đỗi thiêng liêng và cũng thật ngọt ngào cảm xúc? Bởi nhớ hương vị Tết quê cũng là nhớ đến ông bà cô bác, các bậc tiên liệt.

Mùi của Tết

Cái "mùi tết" của quê hương làng nước đã thành "đặc sản" với mỗi người con đất Việt. (Ảnh minh họa)

Tôi là một người con xa quê. Và mỗi lần Tết đến xuân sang, lại bồi hồi nhớ thương cái hương vị tết quê, nhớ thương bóng mẹ hình cha và những người thân yêu nhất đã cho ta năm tháng cuộc đời. Tôi những hồi tưởng về quê hương xứ sở, nhất là giờ phút giao thừa thiêng liêng, nơi cái không gian và thời gian như lắng lại khi cả gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa và nồi bánh chưng thơm ngát. Hình ảnh ấy sao quên được nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nơi mỹ tục thuần phong đã thành kỷ niệm, lẽ sống. Và cơ hồ làm nên nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam nhân nghĩa bao dung.

Nếu nói rằng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển đất nước thì mỹ tục thuần phong là sức mạnh mềm, là yếu tố cơ bản nhất làm nên hồn cốt, nhân cách con người. Có thể nói mỹ tục đón tết Nguyên Đán là cốt cách, lẽ sống của dân tộc, là hình ảnh ấn tượng của non sông gấm vóc.

Dẫu hôm nay cuộc sống đã sang trang, sơn hào hải vị không còn là thứ xa lạ, nhưng cái "mùi tết", cái hương vị tết quê vẫn mãi gắn bó quyện hòa trong đời sống dân tộc và thân thiết như ánh sáng, khí trời vậy. Càng yêu quê hương đất nước này, ta càng trân quý cái "mùi tết" ấy, càng thấy trách nhiệm của mỗi người con đất Việt trong việc góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

->Người Việt đón Tết cổ truyền nơi đất khách

Trọng Nguyên

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Mùi của Tết - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều