Trà xanh là đồ uống quen thuộc và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải lúc nào trong ngày cũng có thể uống trà xanh thoải mái được.
Trà xanh là đồ uống truyền thống của nhiều quốc gia châu Á. Không chỉ giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể, trà xanh còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh ung thư, huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Tuy nhiên, có những thời điểm bạn tuyệt đối không nên uống trà xanh bởi có thể sẽ gây độc.1. Không uống trà khi bụng đang đói
Khi bụng đối, nếu bạn uống trà xanh sẽ khiến các chất chát trong nước chè sẽ ngấm sâu vào thành ruột, làm lạnh tì, vị đồng thời những thành phần bất lợi như lượng cafein cũng nhanh chóng được hấp thu vào máu và gây nên hiện tượng say chè xanh mà rất nhiều người đã gặp phải. Khi đó, bạn sẽ có cảm giác nôn nao, tim đập loạn nhịp, khó chịu, bụng cồn cào, thậm chí buồn nôn nữa đấy.
Không những thế, việc uống trà xanh khi dạ dày trống rỗng sẽ làm tăng axit dạ dày, dễ dẫn đến các bệnh lý về dạ dày... Do đó, bạn chỉ nên uống trà xanh khoảng 2-3 lần/ngày và uống sau bữa ăn 30 phút.
2. Uống trà xanh cùng với thuốc
Đây cũng là một điều cấm kị mà bạn cần nhớ nếu có thói quen uống trà xanh. Không nên uống trà xanh cùng với thuốc hoặc ngay sau khi bạn vừa uống thuốc. Lý do là bởi hàm lượng caffeine trong trà xanh sẽ tăng tốc độ các hoạt động của hệ thần kinh, từ đó có thể gây ra các hiện tượng như chóng mặt, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, thậm chí khó thở, thiếu oxy...
3. Uống trà xanh ngay sau khi ăn cơm xong
Nếu bạn uống trà ngay sau khi ăn, chất tanin có trong nước chè sẽ làm kết tủa lượng protein cũng như các dưỡng chất khác từ thức ăn, làm cho thức ăn trở nên khó tiêu hóa, khó hấp thu hơn. Đặc biệt là sau khi ăn thịt chó, bạn tuyệt đối không được uống trà xanh, nếu không có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
4. Không uống nhiều trà xanh khi đang mang thai
Các bà mẹ mang thai có thể uống từ 1-2 ly trà xanh mỗi ngày, tuy nhiên, không được uống nhiều, bởi hàm lượng caffeine sẽ qua nhau thai và gây nên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bào thai. Nhiều trường hợp đã dần đến tình trạng nhiễm độc thai nghén, rất nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi, nhất là khi bạn uống phải loại lá chè xanh đã bị tẩm ướp và bảo quản.
5. Uống trà xanh khi đang bị thiếu sắt
Đối với những bệnh nhân đang thiếu máu, thiếu sắt cũng cần hạn chế uống trà xanh. Nguyên nhân bởi hàm lượng catechin có trong nước chè khiến quá trình hấp thu sắt của cơ thể diễn ra chậm hơn. Nếu uống nhiều trong thời gian dài, tình trạng bệnh sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
>> Dấu hiệu của ung thư phổi ở nam và nữ giới thường bị bỏ qua Xem thêm
Nguồn ngoisao.vn