Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 7 - 8/2 (từ 28 tháng chạp), khả năng không khí lạnh mạnh sẽ tăng cường xuống miền Bắc nước ta. Do đó, những ngày tết Nguyên đán Giáp thìn trời sẽ chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại.
Cụ thể, từ đêm 4 - 7/2 (từ đêm 25-28 tháng Chạp), khu vực Bắc Bộ đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trời rét.
Riêng khu Tây Bắc trưa, chiều trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất 17 - 20 độ C, vùng núi có nơi dưới 16 độ C. Nhiệt độ cao nhất 22 - 25 độ C, khu Tây Bắc 25 - 28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Ảnh minh họa.
Từ ngày 8 - 10/2 (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 1 Tết), ngày 8/2 có mưa, mưa nhỏ rải rác. Từ ngày 9/2 có mưa vài nơi, trời chuyển rét, vùng núi có khả năng xảy ra rét đậm, có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 13 - 16 độ C, vùng núi 10 - 13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 9 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18 - 21 độ C, vùng núi 13 - 17 độ C.
Từ ngày 11 - 14/2 (từ ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết) có mưa vài nơi, trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14 - 17 độ C, có nơi dưới 14 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20 - 24 độ C, có nơi dưới 20 độ C.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết?Khi di chuyển ngoài trời
Những ngày Tết, các gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết hoặc du xuân, trong đó có cả trẻ em, người cao tuổi và những người có sức đề kháng kém.
Chính vì vậy, để giữ ấm cơ thể khi thời tiết Tết chuyển rét, các gia đình nên lựa chọn quần áo ấm phù hợp, mặc nhiều lớp quần áo (thay vì một lớp áo ấm), phù hợp với nhiệt độ của môi trường xung quanh khi trong nhà hoặc bên ngoài.
Tăng cường bảo vệ đầu, mặt và tay chân, sử dụng găng tay, mũ lưỡi trai, tất ấm và khăn quàng cổ tốt nhất là bằng len, cotton khi di chuyển bằng xe máy.
Ảnh minh họa.
Khi lái xe ô tô, nên làm ấm nội thất xe, chú ý thông gió và thay đổi nhiệt độ, tránh để xảy ra tình trạng sốc nhiệt khi bước từ xe ra môi trường bên ngoài.
Đối với những gia đình có kế hoạch đi du lịch hoặc phải di chuyển giữa các địa điểm có sự khác biệt thời tiết như từ vùng nóng sang vùng lạnh hoặc ngược lại, cần tìm hiểu trước thời tiết tại nơi đến để chuẩn bị trang phục phù hợp cũng như các loại thuốc cần thiết với những người có bệnh nền.
Giữ chế độ ăn uống khoa học
Ngày Tết, mọi người người thường có xu hướng ăn uống thoải mái hơn với số lượng thực phẩm giàu đạm, chất béo nhiều. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các bệnh về tiêu hóa trong dịp Tết.
Nếu muốn dịp Tết được ăn uống thoải mái nhưng vẫn phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa các gia đình cần đa dạng hóa thực phẩm trong một bữa ăn, cần ăn nhiều trái cây, rau tươi để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng tối đa. Hạn chế ăn đồ chiên dầu, nướng, tốt nhất là giữ nguyên độ tươi của thức ăn. Tránh ăn quá nhiều trong mỗi bữa, kiểm soát đồ uống và đặc biệt là tránh lạm dụng nước ngọt có gas, bia, rượu…
Đặc biệt, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm như rau củ, thực phẩm giàu vitamin D (nấm hương, cá hồi, lòng đỏ trứng, ngũ cốc tăng cường, sữa và thịt đỏ), các món canh, súp ấm để làm ấm cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch khi thời tiết Tết giá rét.
Ảnh minh họa.Duy trì lối sinh hoạt lành mạnh
Ngày Tết là dịp họp mặt, vui chơi sau một năm bận rộn, nên nhiều người thường thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay sau Tết là phải trở lại với quỹ đạo công việc, nếu sức khỏe không đảm bảo thì hiển nhiên sẽ gặp tình trạng mệt mỏi trong công việc hậu Tết. Vì vậy, dù là Tết bận rộn cũng cần duy trì thói quen sinh hoạt thường ngày, ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Bên cạnh đó, trong dịp Tết, các gia đình cũng nên chú ý dành thời gian tập thể dục vào mỗi buổi sáng hoặc chiều. Không bắt buộc là những bài tập nặng, bạn hoàn toàn tham gia những bộ môn nhẹ nhàng như tập yoga, đi bộ, chạy quanh sân… vừa giúp giữ dáng trong Tết vừa nâng cao sức khỏe trong thời tiết giá lạnh.
Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Trước Tết, không ít chị em đau đầu lo sắm sửa đồ Tết, vất vả dọn dẹp nhà cửa. Trong Tết, nhiều người lại áp lực suy nghĩ những món ăn ngon hay thậm chí là mệt mỏi với việc tiếp khách và dọn dẹp.
Thêm vào đó, thời tiết Tết giá rét, âm u cùng không khí nồm ẩm ở miền Bắc cũng khiến tâm trạng nhiều người không thoải mái.
Điều này dễ dẫn tới stress, căng thẳng kéo dài, từ đó khiến tinh thần xuống dốc và có cảm giác Tết chỉ là những ngày bị áp lực, không còn cảm giác vui vẻ.
Cách tốt nhất là nên kiểm soát tốt mọi công việc, có thể chia nhỏ và tự tạo niềm vui cho mỗi công việc đang làm. Điều này không chỉ giúp mọi thứ được hoàn hảo mà còn mang lại cảm giác hạnh phúc và vui vẻ.
--> Tết là để đoàn viên
Phương Anh
Nguồn giadinhonline.vn