“Con gái giống cha giàu ba đụn” - đấy là những lời ngày bé tôi hay được nghe từ những người thân, người họ hàng và cả người làng khi nhận xét về dung mạo của tôi.
Quả thật nhìn kỹ tôi giống cha như lột. Đến nỗi người làng chỉ nhìn tôi là đã biết tôi là con gái ông Hộ - tên cha tôi. Tôi giống cha nhưng từ bé cha không hợp tôi và tôi cũng không thân với cha.
Cha tôi là một ông phó mộc. Khi cha 16 tuổi vì gia đình ông bà nội đông con (ông bà có 10 người con), nên cha đã theo các bác đi làm nhà, làm đồ mộc ở khắp nơi. Từ đó cha gắn với nghề làm đồ mộc. Mối lương duyên giữa cha tôi và mẹ cũng bắt nguồn từ việc cha cùng đội thợ đến làm nhà cho ông bà ngoại.
Cha tôi rất khéo tay, tay nghề của cha nổi tiếng ở vùng quê tôi. Cha cùng với nghề mộc của mình và sự tảo tần của mẹ tôi đã nuôi chúng tôi khôn lớn. Nhưng về tính cách thì cha tôi có tính cách khá khác nghiệt. Có lẽ bởi hoàn cảnh phải vất vả, bươn chải từ nhỏ nên tính cách cha có phần cứng nhắc, độc đoán và gia trưởng.
Còn nhớ ngày bé mỗi khi tôi và thằng em trai cãi nhau thì chỉ cần nghe thấy tiếng cha đằng hắng thôi là hai đứa im thít. Chẳng biết có phải vì cha quá nghiêm khắc nên khoảng cách giữa hai cha con ngày càng xa. Tôi chưa bao giờ ngồi nói chuyện hay tâm sự với cha tôi. Tất cả mọi việc cần xin phép cha tôi đều thông qua mẹ.
Cha tôi đang nằm gối đầu trên đùi bác cả tôi
Chẳng biết từ bao giờ giữa hai cha con lại có khoảng cách quá xa vời như thế. Hồi còn nhỏ thấy bạn bè ríu rít nói chuyện với cha mình, tôi cũng ao ước mình được như vậy. Vì để có thể lo cho ba anh em một cuộc sống tốt hơn mà cha mẹ tôi đã có một quyết định phải nói là cực kỳ liều lĩnh vào những năm 1994. Đó là với 2 bàn tay trắng, cha mẹ vay lãi hoàn toàn hai mươi mốt triệu đồng (trong khi giá vàng hồi đó chỉ khoảng 300 ngàn một chỉ) để mua mảnh đất rộng gần 1500 mét vuông. Những mong có thể triển khai mô hình vườn, ao, chuồng để có kinh tế nuôi ba anh em tôi ăn học.
Nhưng hồi đó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng rất khó khăn. Thêm vào đó giống cây cam, quýt cha tôi trồng đều bị bọn chuột phá sạch. Nản chí nên có thời kỳ cha tôi gần như bất mãn với cuộc sống. Cha hay cáu kỉnh, bực bội, thậm chí còn uống rượu nhiều hơn. Và đôi khi cũng trút sự cáu kỉnh, bực dọc lên vợ con. Ngày đó, anh trai thì đi lính, tôi không hợp tính cha nên thường xuyên bị cha la mắng, thậm chí là đánh đòn. Thú thực là tính tôi cũng khá cứng đầu và ương bướng. Bởi thế tôi luôn phản kháng và không thể hòa hợp với cha. Có lẽ vì tôi có ngoại hình và tính cách khá giống cha. Người ta sẽ nhìn thấy những khuyết điểm của mình trên một bản sao khác chăng?. Vì vậy khoảng cách giữa hai cha con ngày càng xa nhau. Tôi rất ít khi lại gần hay trò chuyện gì với cha.
Những năm đó từ kinh tế đến đời sống nó là một nỗi ám ảnh đối với tuổi thơ của tôi. Nhưng trên hết cha cùng mẹ vẫn vượt qua tất cả để tôi vẫn được đến trường. Khi tôi không thi đỗ đại học mà chỉ thi đỗ cao đẳng thôi, tôi đã quyết định sẽ nghỉ học một năm để đi làm. Vì nhà tôi lúc đó đến cơm nhiều khi cũng không có để ăn. Nhưng cha đã kiên quyết bắt tôi phải đi học tiếp. Cha đã nói “nếu không đi học tiếp thì đi đâu thì đi”.
Vì câu nói đó của ông, tôi khoác balo ra bắt xe xuống thị xã Phủ Lý học với 400 ngàn mà cha phải đi vay 2 người mới có được. Tôi học hệ Báo chí của một trường cao đẳng thuộc VOV. Cha tôi rất mong muốn tôi có thể trở thành nhà báo. Ông có mong ước tôi sẽ học tốt, rồi cố gắng học ngoại ngữ để trở thành phóng viên thường trú ở nước ngoài. Nhưng vì tôi yêu thích môn Lịch sử nên đã quyết tâm âm thầm thi lại đại học. Sau này tôi có nghe mẹ kể lại rằng: cha tôi bảo với mẹ "phải để con Hằng nó đi học". Con gái có thì và tuổi học cũng vậy. Đi là một vài năm kiến thức rơi rụng hết. Thật ra cha vẫn luôn lo và nghĩ cho tôi, chỉ là tôi đã không chịu nhận ra và thừa nhận.
Và cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học và trở thành biên tập viên/nhà báo của Tạp chí Khảo cổ học. Vậy là cũng trở thành nhà báo chỉ không phải phóng viên thường trú như cha tôi mong muốn. Sau đó tôi lấy chồng và sinh con. Nút thắt trong mối quan hệ cha con vẫn chưa được cởi mở. Có điều nó dễ chịu hơn chút khi cha tôi lại khá hợp chồng và con trai tôi. Có lẽ người làm cha thì cứ nghĩ “Sao con gái không thân với mình, nó chỉ thân với mẹ?”. Còn con gái thì lại nghĩ “Sao từ bé cha luôn quý em hơn mình? Dù mình là con gái rượu”.
Bây giờ khi đã có công việc ổn định và có một gia đình nhỏ tôi thầm nghĩ nếu này xưa không có sự độc đoán và kiên quyết của ông liệu tôi có được như ngày hôm nay không? Giờ con gái đã lớn đã lấy chồng và có con rồi mới thấu hiểu hết sự vất vả và khó nhọc của cha mẹ. Đúng là có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Con gái lấy chồng xa nên ít được về thăm nhà. Mỗi lần về thăm nhà ha đều dành những gì ngon nhất cho con gái và cháu ngoại. Đã nhiều lần tôi muốn nói với cha rằng “con đã rất thương cha”. Nhưng lại không nói ra thành lời được.
Nhiều đêm giật mình giữa những cơn ác mộng, tỉnh dậy nước mắt đầm đìa. Trong giấc mơ tôi thấy cha đã xa mình. Sau đó thật mừng khôn xiết vì cha vẫn đang còn khỏe mạnh. Cha vẫn đang dõi theo mình. Như người ta vẫn nói “Người cha sẽ thương con theo cách riêng của mình”. Nên dù có như thế nào thì tôi vẫn mãi là con gái của cha. Tôi vẫn mong có cơ hội được nói với ông rằng: “Con cũng rất yêu cha”.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: Thân Thị HằngĐịa chỉ: 61 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Ban tổ chức
Nguồn giadinhonline.vn